Đá quý tâm linh
NGỌC MÃ NÃO (AGATE) – VẬT LIỆU MỸ NGHỆ CAO CẤP – ĐÁ QUÝ CÓ GIÁ TRỊ
Đá Mã não là một loại đá quý được sử dụng rộng rãi, từ trang sức, vật trưng bày, phong thủy và đá cảnh. Giá trị của chúng phụ thuộc vào chất lượng, màu sắc và trọng lượng của đá. Những viên đá Mã não đẹp có thể đạt đến chất lượng Ngọc và rất được ưa chuộng. Vùng Tây Nguyên của Việt Nam là một trong những vùng phong phú về loại đá quý này.
Tây Nguyên với những rừng cà phê ngút ngàn phát triển trên đất đỏ màu mỡ, trong lớp đất mịn màng đó chứa những khối đá cứng nằm trơ trọi có kích thước từ vài mét đến hàng chục mét. Khoảng năm năm trở lại đây có những khối nặng đến hàng chục tấn được mang về thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội bán được hàng trăm triệu đồng. Chúng được chế tác thành những tượng Phật, tượng Chúa và nhiều tượng nghệ thuật khác, những khối đá trở thành vật liệu mỹ nghệ, dựa theo giá bán của sản phẩm làm ra có thể gọi chúng là vật liệu mỹ nghệ cao cấp. Các nhà địa chất gọi chúng là ngọc Mã não (Agate) , xếp trong danh sách Đá quý, nhưng chỉ trong hàng đá quý chất lượng từ thấp đến trung bình, chưa quý đến mức có thể lảm hàng trang sức cao cấp.
Trước đây, nhiều triển lãm khác như ngày hội 1000 năm Thăng Long (Hà Nội, 2012), triến lãm khách sạn Phú Sơn (Bắc Ninh, 2013, 2014), Festival Đá quý và Cây cảnh Thanh Hóa (Thanh Hóa, 2015) cũng đã tôn vinh thật sự ngọc Mã não Tây Nguyên. Qua triển lãm lần này tại Thủ Đô có thể kết luận: ngọc Mã não Tây Nguyên đích thực là một tài nguyên độc đáo và quý giá về một loại Đá quý có thể dùng làm vật liệu mỹ nghệ, đá phong thủy, đá trang trí sân vườn. Tuy ngọc Mã não chưa đủ chất lượng làm hàng trang sức cao cấp nhưng cũng được xếp vào chủng loại Đá quý có giá trị.
Tại sao ngọc mã não Tây Nguyên chỉ tìm thấy trong đất đỏ bazan?
Cách đây khoảng 13 triệu năm núi lửa phun trào tràn ngập cao nguyên Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và lan ra đến duyên hải Phú Yên,… những dòng dung nham có thành phần bazan nóng bỏng thiêu đốt hầu hết rừng cây và tạo nên một lớp phủ dày đến vài trăm mét. Dung nham có chứa nhiều chất khí làm bazan “sôi sùng sục” và di chứng là những lớp bazan vẫn còn lưu giữ vết tích bọt khí dày đặc. Nhưng lý thú hơn là trong lớp bazan còn chứa nhiều “túi khí” nhiều kích thước khác nhau từ vài ba mét cho đến hàng chục mét. Theo quan sát những túi khí trong nhiều trận núi lửa hiện nay ở quần đảo Hawaii (Hoa Kỳ), Inđônêsia v.v.. thì chất khí gồm có nhiều khí trơ, CO2, H2O và đặc biệt có khí SiO2. Khi bazan nguội lại các chất khí bốc bay khỏi dòng dung nham, còn lại khí SiO2 đọng lại và kết tinh thành khoáng vật chalcedon (SiO2), đôi khi khí SiO2 thấm ra bên ngoài và tẩm vào thân cây bị chôn vùi tạo nên những thân cây “hóa đá”, thực chất là khoáng vật chalcedon đã thay thế các tế bào thực vật. Các túi khí kết đọng thành chalcedon tạo nên những khối đá hình thù kỳ dị, màu sắc khác nhau, được đặt tên là những khối ngọc Mã não. Còn các thân cây được chalcedon thay thế tế bào thực vật tạo nên “rừng cây hóa đá”. Khi dung nham bazan lâu ngày rã ra thành đất đỏ, các khối Mã não trơ lại thành những khối đá mồ côi nằm giữa đất đỏ bazan với những kích thước từ vài ba mét đến hàng chục mét. Về thuật ngữ khoa học thì khối ngọc Mã não và cây hóa đá đều có thành phần khoáng vật giống nhau là chalcedon (SiO2), nhưng khối đá hình thù kỳ dị lại có tên là đá Mã não (Agate), vì màu đẹp nên có thể gọi là khối ngọc Mã não (Agate), kết tinh trong lòng dòng dung nham bazan, có nguồn gốc núi lửa. Cây hóa đá không phải có nguồn núi lửa, nhưng vẫn có thành phần khoáng vật chalcedon . Rừng cây hóa đá ở Lạng Sơn (mỏ than Na Dương) hoàn toàn không liên quan đến núi lửa, chúng có thành phần khoáng vật cũng là chalcedon. Như vậy, khi ta gọi “khối ngọc Mã não” tức chính xác là khối đá có nguồn gốc núi lửa. Nếu ta chỉ gọi là đá chalcedon thì không phân biệt với cây hóa đá liên quan với nhiều nguồn gốc khác nhau.
Khoáng vật Chalcedon có thành phần hóa học là SiO2, kết tinh ở trạng thái ẩn tinh tức là kích thước rất nhỏ (kích thước gần nano nên không phân biệt được dưới kính hiển vi dù có độ phóng đại lớn). Tỷ trọng 2,58-2,64, độ cứng 6,5-7. Chúng tạo nên những vân mây nhiều màu sắc khác nhau làm cho khối ngọc rất hấp dẫn.
Một dạng tài nguyên được ghi nhận trong danh sách tài nguyên khoáng sản ở Tây Nguyên.
Nếu ở Myanma (Miến Điện) có ngọc Jade (ngọc Phỉ Thúy) được thị trường thế giới công nhận trong gần một thế kỷ qua thì ở Việt Nam, ngọc Mã não TÂY NGUYÊN có thể xứng danh là một tài nguyên rất đặc trưng cho Việt Nam ta.
Tuy ngọc Mã não Tây Nguyên Việt Nam chưa có thể so sánh với ngọc Phỉ Thúy Myanma nhưng có thể nêu ra những nét nổi bật như sau:
- Kích thước các khối đá mồ côi ngọc Mã não khá phong phú từ vài mét cho đến hàng chục mét với trọng lượng mỗi khối trên 30-50 tấn! Ở Myanma vừa qua đã phát hiện một khối Phỉ Thúy trên 100 tấn!
- Độ cứng các khối Ngọc Mã não là 6,5- 7 (rất bền vững, cứng hơn dao sắt vạch), chất khoáng vật chalcedon (SiO2 ) hầu như không bị các tác nhân phong hóa (chúng đã trải qua một giai đoạn thử thách trên vài triệu năm) cho đến ngày nay.
- Do chalcedon nằm ở trạng thái ẩn tinh nên dễ dàng cắt gọt mà không vỡ nứt vụn, tạo điều kiện thuận lợi cho tạo hình mỹ thuật.
- Màu sắc rất đa dạng từ xám cho đến đỏ tuyền, xanh tuyền, nhiều khối phát triển vân mây rất phong phú với nhiều dải màu khác nhau xen kẽ. Chúng là những vật liệu mỹ nghệ cao cấp cho ngành tạc tượng nghệ thuật và tâm linh.
- Bản thân từng khối ngọc tự nhiên có sẵn những hình thù khá kỳ dị, đẹp mắt và hấp dẫn. Chỉ cần đánh bóng trên bề mặt thì những khối đá đó đã trở thành những vật trang trí có giá trị nghệ thuật hay phong thủy.