Đá quý tâm linh

Đá quý và sinh mệnh con người (P.2): Màu sắc đá quý và kinh dịch

Đá quý và sinh mệnh con người (P.2): Màu sắc đá quý và kinh dịch

Cùng một loại đá quý nhưng lại có nhiều màu sắc khác nhau, nếu chỉ sử dụng đá quý theo mệnh là chưa đủ mà còn phải sử dụng theo loại đá quý nữa. Qua quẻ kinh dịch sẽ biết được mối liên hệ giữa tuổi và loại đá quý thích hợp.

Màu sắc đá quý là những hiện tượng độc đáo. Trong tinh thể Ruby, một vi lượng Cr làm cho Ruby phát ra màu đỏ. Cơ chế phát màu đã được các nhà vật lý nghiên cứu chi tiết. Những vòng tròn điện tử quay quanh hạt nhân khi năng lượng ánh sáng tác động vào thì những điện tử đó được kích thích và nhảy từ quỹ đạo này sang quỹ đạo khác, đồng thời phát ra năng lượng màu sắc tương ứng với sóng điện từ có bước sóng 700 nm! Trong khi đó tổ hợp hai nguyên tố Ti+Fe cũng có cơ chế như vậy, nhưng cho năng lượng bước sóng khoảng 500 nm (màu xanh) v.v... Như vậy, màu sắc đá quý xuất phát từ cơ chế phát ra năng lượng và rất gần gũi với nhận thức về năng lượng của màu sắc.

Theo kinh dịch, bát quái là những biểu tượng các yếu tố môi trường thiên nhiên. Từ quẻ 1-Càn (Trời), 2- Đoài (Đầm lầy), 3- Ly (Lửa), 4- Tốn (Gió), 5- Chấn (Sấm sét), 6- Cấn (Núi), 7- Khảm (Nước) và 8- Khôn (Đất). Trật tự đó không phải được xếp theo cấp độ năng lượng mà theo một lý do nào đó chưa được giải thích.

Hình 1: Sơ đồ bát quái của kinh dịch.

Ngay như sắp xếp theo các phương địa lý cũng không có giải thích. Nhưng đó là câu chuyện của thuật phong thuỷ. Câu chuyện của chúng ta là mối quan hệ với đá quý, và cụ thể là đá quý nào mà con người có thể sử dụng thích hợp với mệnh, tuổi tác…

Thông thường các nhà phong thuỷ sử dụng màu sắc đá quý. Sau đó sử dụng luật ngũ hành, tương sinh, tương khắc  mà quy định nên và không nên đeo đá quý màu gì.

Nhưng một loại đá quý có thể có nhiều màu sắc khác nhau. Ví dụ kim cương ngoài màu trắng ra, còn có màu xanh da trời và màu đỏ. Ngọc bích, ngoài màu xanh ra còn có rất nhiểu màu khác nhau từ đỏ, xanh lá cây, tím, thậm chí đỏ và nâu !. Trong khi đó độ quý giá thuộc nhiều cấp độ tuỳ thuộc chủng loại theo trật tự hoàn toàn khác với màu sắc. Trật tự đó là kim cương thuộc loại quý nhất và hiếm nhất, tiếp theo ruby và saphia, emerald, nephrit, peridot, topa, tuôcmalin, thạch anh, v.v... Có một điều lý thú là trật tự cấp độ quý hiểm đó gần như theo cấp độ đối xứng cao và thấp của bảy tinh hệ kết tinh khoáng vật! Từ tinh hệ lập phương, lục phương, tứ phương, tam phương,trực thoi, một nghiêng, ba nghiêng và cuối cùng  là thuỷ tinh.(Hình 2).


Hình 2: Bảy tinh hệ của khoáng vật.

Lý thú hơn là số 7 tinh hệ cộng với thuỷ tinh tổng cộng là 8, liệu có mối quan hệ nào đây với bát quái của kinh dịch. Quả là một phát hiện bất ngờ mà kinh dịch chưa bao giờ đề cập đến vì lúc bấy giờ đã có khoa học về kết tinh đâu! Người đời sau, vẫn chưa có ai phát hiện mãi cho đến Phan Trường Thị (2005), (Trong “Đá quý Việt Nam” của Hội Đá quý Việt Nam, có bài “Đá quý và thế giới tâm linh”).

Trong Kinh dịch có 8 quẻ gọi là bát quái : Càn, Đoài, Ly, Tốn, Chấn, Cấn, Khảm và Khôn. Thuỷ tinh là bậc số 8, trạng thái chưa kết tinh của đá quý. Nếu ghép bát quái với 8 cấp độ kết tinh của khoáng vật có thể thấy một sự phù hợp lạ kỳ tuy có những ngoại lệ dễ hiểu. Xem hình số 2, trước hết quẻ Càn và hệ kết tinh lập phương là sự phù hợp kỳ diệu! Càn là trời, ai có quẻ này thì nhận được những đặc tính trời cho tốt nhất : mạnh khoẻ, bản lĩnh, trí tuệ, giàu có, gặp nhiều thuận lợi trong kinh doanh. Trong khi đó kim cương kết tinh trong hệ lập phương, là hệ kết tinh cân đối và được xếp vào hạng đối xứng bậc cao nhất. Trong khoáng vật học, kim cương có độ cứng 10, cao nhất, có độ chiếu sáng cao nhất và không thể bị phân huỷ. Như vậy người có được quẻ Càn xứng đáng được đeo, được ban tặng kim cương. Trên thương trường, kim cương là đá quý đắc giá nhất.

Quẻ Khôn, tượng trưng cho Đất- người mẹ của muôn loài, hiền hoà nuôi nấng từ cây cỏ đến mọi sinh vật. Đất chứa sinh khí, chất bổ dưỡng, kim loại hữu ích, những dòng sông đầy ắp nước…Trong khoáng vật học, hệ kết tinh nào tượng trưng cho Đất đây? Các khoáng vật sau kim cương có ruby,saphia, tourmaline, zircon v.v.. chúng kết tinh trong tinh hệ lục phương, tứ phương, tam phương. Chúng là những khoáng vật có độ cứng 9 đôi khi 7-8, tinh hệ được xếp hạng tương đối cao. Như vậy, người có quẻ khôn xứng đáng được đeo hay ban tặng những đá quý như ruby, saphia (lục phương), tourmaline, zircon (tam phương, tứ phương).

Quẻ Ly, tượng trưng cho lửa- nhiều cấp độ năng lượng khác nhau, từ lửa cháy rừng, lửa trên núi, lửa một que diêm v.v.. Ngọn lửa không có độ cứng, không chứa vật chất rắn mà dạng khí. Tượng trưng cho trạng thái vật chất đó chỉ có thể là trạng thái chưa kết tinh, đó là trạng thái thuỷ tinh ( bậc số  8). Trong khoáng vật học, có thuỷ tinh núi lửa (Obsidian), opal , opal lửa.

Quẻ Tốn- tượng trưng cho gió, với  nhiều cấp độ năng lượng khác nhau từ gió hiu hiu mùa hè cho đến bão tố… Tượng trưng cho gió có lẽ tinh hệ một nghiêng và ba nghiêng. Gió nhẹ nhàng- một nghiêng, bão táp- 3 nghiêng. Trong đá quý, các khoáng vật như nephrit, jadeit là những khoáng vật thuộc tinh hệ một nghiêng; còn ba nghiêng hầu như không có đá quý nào.

Quẻ Chấn, tượng trưng cho sấm động. Bản chất sấm là vô hình mà tạo nên những hậu quả khôn lường. Quy kết cho nó có thể là những hệ kết tinh từ thuỷ tinh, ba nghiêng cho đến một nghiêng. Thuộc vào những hệ kết tinh đó là thuỷ tinh núi lửa, những khoáng vật không đẹp thuộc nhóm pyroxene hay amphibol v.v..

Quẻ Cấn, tượng trưng là núi, núi trùng điệp. Nó là tượng trưng cho vật tĩnh, không di động, nặng nề. Trong các tinh hệ kết tinh của khoáng vật thì chỉ có tinh hệ trực thoi là một biểu tượng như vậy. Những đá quý đẹp thuộc tinh hệ này có Peridot, Topaz…

Quẻ Khảm, tượng trưng cho nước cũng với nhiều mức năng lượng khác nhau, nước trong khe, nước trong dòng sông, nước trong biển cả....Rõ ràng nước là vật chất không kết tinh, tương tự như thuỷ tinh và liên quan đến nhiều đá quý. Trước hết thuỷ tinh núi lửa, ngọc trai, hổ phách, san hô...

 

Hình 3: Mối quan hệ của 8 quẻ kinh dịch và đá quý

Kết nối màu sắc và tinh hệ

Mỗi người theo tuổi (Mệnh) và theo Tứ trụ (Tính quẻ bát quái) có thể chọn cho mình một loại đá quý thích hợp để đeo hay để ban tặng. Nếu theo tuổi (Mệnh), quy về một trong yếu tố ngũ hành thì có thể chọn một màu sắc thích hợp và đá quý nào có màu nào thì chọn màu đó.

Nhưng đã nói trên, nhiều đá quý sở hữu một lúc nhiều màu sắc. Ví dụ, kim cương có ít nhất 3 màu, trắng, xanh thiên thanh  và đỏ. Ruby và saphia cũng vậy, riêng ruby ngay trên một viên đá nhìn theo góc này có màu đỏ, nhìn góc khác có màu da cam. Nếu ta chọn màu đỏ, thì có thể chọn đá quý là kim cương đỏ (vô cùng quý giá) hay ruby đỏ hay spinel đỏ ! Điều đó nói lên nếu chỉ chọn theo màu sẽ không chính xác . Bây giờ ta đã có thể xác định theo tứ trụ để biết chính xác ta thuộc vào quẻ nào, thì có thể chọn một loại đá quý thích hợp và phù hợp với số phận và tính cách con người. Sau khi đã xác định bát quái, ví dụ Kim cương, thì theo mệnh ta có thể tiếp tục chọn màu theo mệnh, ví dụ mệnh hoả thì chọn kim cương màu đỏ hay màu thiên thanh. Nếu mệnh mộc thì kim cương màu đen, màu xanh nước, xanh lá cây đều được, nhưng màu trắng lại không thích hợp!

Qua đó có thể nhận thấy sự phức tạp của vấn đề, và vượt khả năng của một người.